Để thành công trong công việc không thể bỏ qua các quy tắc sau – phần 3

Phần 3 Elite Symbol tiếp tục gửi đến các bạn các quy tắc để thành công trong công việc

Quy tắc 7: Yêu thích việc mình làm

Nếu bạn không thấy thoải mái thì bạn còn làm gì? Nếu công việc của bạn không có chút giá trị giải trí nào thì chẳng có lý do gì để bạn làm việc đó cả. Bạn có thể tìm việc khác.

Tôi nghĩ rằng có rất nhiều người thực sự yêu thích công việc của mình nhưng họ không dám nói ra phòng trường hợp bị cho rằng họ nghiện làm việc, đang gặp chuyện buồn, hay là điều gì tương tự như vậy.

Chẳng có gì phải xấu hổ khi nói rằng bạn rất yêu thích công việc của mình. Dường như có một cái mốt là mọi người buồn bã ở sở làm, kêu ca về công việc. Ở văn phòng có một cuộc đua – mọi người thi nhau ca thán xem ai là người ghét công việc của mình nhất.

Điều này không tồn tại với bạn. Người tuân thủ luật chơi luôn yêu thích công việc của mình và đảm bảo người khác sẽ biết việc đó. Một khi bạn nhận thấy công việc của mình thú vị, và thậm chí nó thú vị đối với bạn hơn là đối với người khác, thì bạn sẽ thấy những bước đi của mình thật rõ ràng, căng thẳng giảm bớt và toàn bộ cách cư xử tỏa sáng. Bằng cách nhận ra công việc mình làm thú vị, bạn đang tìm ra bí mật nhỏ mà chỉ có những người thành công mới có. Công việc thật thú vị, hãy khắc sâu điều đó trong trái tim bạn. Chúng tôi đã trải qua nhiều sóng gió để thành lập công ty này, thậm chí không ăn không uống không phải vì lợi nhuận mà chúng tôi có động lực nhiều như thế. Mấu chốt nằm ở chúng tôi không sợ thất bại và ngày càng mê mẫn những gì chúng tôi đang làm.

Làm việc thoải mái và nhận ra công việc thú vị là hai việc khác nhau. Nhận ra công việc thú vị đồng nghĩa với việc bạn tự hào về những việc mình làm, yêu thích những thách thức, mong muốn mỗi ngày với niềm lạc quan và sự hứng khởi. Làm việc thoải mái nghĩa là không cần thành công lắm, buôn chuyện nhiều, chọc tức đồng nghiệp hay uống trà sữa cả buổi chiều. Tôi tin chắc rằng bạn đồng tình với tôi về sự khác biệt trên. Làm việc thoải mái chỉ là một khái niệm tạm thời. Nó tồn tại khi niềm vui còn tồn tại nhưng nhanh chóng biến mất khi không còn sự hứng khởi, phấn chấn.

Chẳng có gì phải xấu hổ khi bạn nói rằng bạn yêu thích công việc của mình.

Bạn thấy công việc thú vị tức là bạn thích những buổi thương lượng, tuyển dụng hay sa thải, yêu thích sự thách thức mỗi ngày, thích cả sự căng thẳng, cảm giác thất vọng, tương lai không đảm bảo, người khác thử thách và cả những điều mới mẻ.

Nếu bạn không yêu thích hay không hiểu rõ giá trị công việc, chắc chắn bạn sẽ là một người hay kêu ca rền rĩ và là một trong những nạn nhân của cuộc sống.

Quy tắc 8: Rèn luyện một thái độ đúng

Khi đi làm, nhiều người có kiểu thái độ “chúng ta và họ”. Ở những người đó, “chúng ta” có xu hướng đứng về “người làm thuê” và kêu ca về “họ” – “những ông chủ”. Tuy nhiên, bạn sẽ rèn luyện thái độ đúng đắn và không trở thành một phần của “chúng ta” về mặt tâm lý.

Dù hiện nay bạn ở vị trí nào thì bạn cũng sẽ là một nhà lãnh đạo, có khả năng sau này là người đứng đầu của ban quản trị và một giám đốc điều hành thành công.

Bạn phải bắt đầu quan sát cả hai mặt của tình huống, xác định vị trí của “họ”. Có thể bạn không cần phải nói ra điều này, thậm chí ở chỗ đông người, bạn làm như đứng cùng hàng ngũ với anh em công nhân và đồng nghiệp của bạn. Nhưng sâu thẳm trong trái tim bạn, bạn hiểu và đứng về phía “họ”. Đừng bao giờ quên điều đó. Đồng nghiệp của bạn có thể kêu ca về chính sách lãnh đạo nhưng bạn sẽ phân tích chúng và cố gắng nhìn chúng quan điểm từ phía lãnh đạo. Để hòa mình, bạn có thể nguỵ trang là một nhân viên hay kêu ca, nhưng đó không phải là một cách thông minh. Bạn có thể gật đầu tán thành, nhưng bản thân bạn thì đừng kêu ca gì cả.

Một thái độ đúng gồm có 2 phần:

* Một là, bạn đứng về phía chúng tôi và nhìn những chính sách dưới con mắt của chúng tôi.

* Hai là, bạn chỉ tập trung để trở thành một người tuân thủ luật chơi toàn tâm toàn ý – bạn phải cố gắng trở thành người Số 1 (người đó chính là bạn!).

Thái độ đúng là bạn luôn cố gắng hết sức, không phải chỉ trong một ngày mà ngày nào cũng vậy, không phải chỉ trong lúc dễ dàng mà ngay cả khi công việc vô cùng khó khăn.

Thái độ đúng nghĩa là bạn sẽ đi xa hơn người khác, bạn sẽ nỗ lực hơn cho dù lúc đó bạn mệt mỏi, bực bội và chỉ muốn rút lui. Người khác có thể rút lui, nhưng bạn thì không, vì bạn là người tuân thủ luật chơi.

Thái độ đúng là ngẩng cao đầu, không kêu ca, luôn lạc quan vui vẻ, luôn nhìn thấy lợi thế và cơ hội.

Thái độ đúng là những tiêu chuẩn luôn thay đổi, luôn gắn với “phía họ”. Bạn cần chắc chắn điểm quan trọng của bạn và biết được khi nào thể hiện rõ lập trường của mình. Thái độ đúng là luôn ý thức được bạn có một sức mạnh to lớn và có thể sử dụng sức mạnh ấy với sự ân cần, tự chủ, tính nhân văn và suy xét kỹ lưỡng.

Quy tắc 9: Đừng bao giờ để người khác biết bạn làm việc vất vả như thế nào

Hãy quan sát trường hợp Richard Branson. Ai cũng thấy anh ta lúc nào không rong chơi thì bay khinh khí cầu, sống trên sà lan, hay bay đến nước Mỹ. Bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy anh ta bên bàn làm việc, trả lời điện thoại hay soạn thảo công văn. Thế mà đôi khi trong ngày, đó chính là việc anh ta phải làm.

Chỉ đơn giản là ta không nhìn thấy. Do đó, ta nghĩ Richard chỉ là một kẻ lông bông ở chỗ làm việc, một doanh nhân vô lo, vô nghĩ, một người thích giải trí nghịch ngợm. Đó là một hình ảnh tuyệt hảo và dường như anh ta rất hạnh phúc với hình ảnh đó, tại sao lại không cơ chứ?

Đó chính là hình ảnh người tuân thủ luật chơi gan dạ muốn xây dựng: lịch sự, ung dung, thư thái, điềm tĩnh, tự chủ và lạnh lùng. Bạn sẽ không bao giờ bỏ chạy, không hốt hoảng, thậm chí không vội vã. Tất nhiên bạn có thể phải thức đến gần sáng nhưng đừng bao giờ nói ra. Đúng là có thể bạn phải làm trong suốt kỳ nghỉ, ngày cuối tuần nhưng đừng bao giờ để lộ ra, đừng kêu ca là bạn đã phải làm việc vất vả như thế nào hay phải làm thêm bao nhiêu giờ. Đối với những người khác, họ sẽ thấy bạn ung dung, bình thản và vượt qua khó khăn một cách dễ dàng.

Đương nhiên để làm được điều này, bạn phải có khả năng làm tốt công việc của mình. Nếu không, bạn sẽ thất bại khi cố gắng thực hiện quy tắc này vì nó quá sức bạn. Vậy bạn sẽ làm gì nếu mình không phải là một người xuất sắc trong công việc? Bạn hãy chong đèn học, tích luỹ kinh nghiệm và kiến thức, đọc sách, đưa ra thắc mắc, xem lại bài, học miệt mài cho đến khi thấu hiểu công việc đến chân tơ kẽ tóc. Hãy làm điều này trước khi bạn học cách trông chững chạc và thư giãn.

Quy tắc này bao gồm một vài quy tắc khác:

* Không bao giờ xin thêm thời gian để hoàn thành công việc được giao.

* Không bao giờ cần nhờ ai làm hộ: không bao giờ nói việc đó nằm ngoài khả năng của mình. Bạn có thể nhờ hướng dẫn, khuyên bảo, cung cấp thông tin hay xin ý kiến, nhưng đừng bao giờ nhờ họ làm hộ.

* Không bao giờ kêu ca phàn nàn về khối lượng công việc bạn phải làm là quá nhiều.

* Học thái độ quả quyết để không bị quá tải – đây không phải quy tắc hướng dẫn bạn để người khác biết bạn đã làm việc vất vả thế nào. Tuy thế bạn không cần thiết phải làm quá nhiều việc.

* Đừng bao giờ để người khác thấy bạn mệt vã mồ hôi.