Quá trình nuôi dạy con trẻ luôn không hề dễ dàng, có những phương pháp giáo dục sai ở thời điểm bắt đầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai và tính cách trẻ. Đã qua rồi thời sử dụng cách dạy con “thương cho roi cho vọt”, là một cha mẹ thông thái bạn cần tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn phương pháp giáo dục con.
Dưới đây là chia sẻ về những hậu quả của việc dạy con bằng đòn roi mà nhiều bố mẹ không hề ngờ đến. Mời quý phụ huynh và bạn đọc cùng tham khảo để có được những quyết định chính xác hơn cho mình trong quá trình nuôi dạy con trẻ.
- Khiến trẻ trở nên hung hăng hơn
Những đứa trẻ bị bố mẹ đánh đòn nhiều thường dễ nổi nóng và tức giận với người thân cũng như bạn bè. Chúng có phần thích bạo lực trong những mối quan hệ và bắt nạt những người yếu thế hơn. Những nhà nghiên cứu từ trường đại học Tulane đã thống kê được rằng những đứa trẻ bị đánh đòn thường xuyên, bắt đầu từ lúc 3 tuổi, thường sẽ có những hành vi gây rối nhiều hơn so với những đứa trẻ không bị đánh.
Sự hung hăng chính là phản ứng lại với việc trải qua nỗi đau, ấm ức khi bị đánh đòn. Khi lớn lên chúng sẽ có suy nghĩ rằng bạo lực là cách phù hợp để có được những gì bố mẹ muốn, trẻ cũng sẽ bắt chước theo những hành vi này.
- Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần
Đánh đòn không chỉ gây ra những nỗi đau thể xác mà còn cả những vết thương tinh thần dai dẳng về sau này nữa. Việc đánh đòn cũng được chứng minh là có liên quan đến những rối loại hành vi, rối loạn tinh thần, căng thẳng, muốn tự tử, tìm đến rượu bia và thuốc, có tính thù địch, tự ti và những bất ổn về cảm xúc.
- Não bị “hư hại”
Một nghiên cứu của đại học Harvard nói rằng việc thường xuyên xúc phạm trẻ em bằng lời mắng chửi, roi vọt có thể khiến bộ não của chúng bị “hư hại”. Tổn thất được đề cập ở đây không phải là một căn bệnh hữu hình mà là quá trình trưởng thành về suy nghĩ, về nhận thức của trẻ trong tương lai. So với những đứa trẻ khác được bố mẹ dạy dỗ bằng lời nói, thì những đứa trẻ bị dạy dỗ bằng đòn roi sẽ có khả năng ngôn ngữ kém hơn nhiều. Trẻ thường bị đánh mắng có bộ não lúc nào cũng lo lắng, căng thẳng với bất cứ hành động nào cũng mình cũng đều phạm sai lầm.
- Ảnh hưởng đến chiều cao
Một cuộc khảo sát được diễn ra dưới sự tổ chức của trung tâm nghiên cứu sức khỏe trẻ em ở đại học Yale, Mỹ đã cho chúng ta thấy rằng những đứa trẻ thường xuyên bị khiển trách, lăng mạ, thậm chí bị đe dọa, đòn roi bởi cha mẹ và giáo viên thường có chiều cao khiêm tốn.
Điều này cho thấy rằng sự tăng trưởng và phát triển chiều cao của trẻ có sự liên quan đến cảm xúc. Nếu đứa trẻ được sống trong một môi trường hạnh phúc, cơ thể và tâm trí luôn được thoải mái. Còn nếu đứa trẻ bị mắng, bị đánh trong một thời gian dài, tinh thần của trẻ ở trạng thái căng thẳng cao, ảnh hưởng đến việc tiết hormone tăng trưởng.
- Nói dối
Trẻ em luôn nghịch ngợm, hiếu động nên đôi khi sẽ gây ra những rắc rối không đáng có. Vì sợ cha mẹ la mắng hay đòn roi mà chúng bắt đầu nói dối để che giấu những lỗi lầm đã gây ra. Lâu dần điều này cực kỳ không tốt và gây ảnh hưởng xấu đến tương lai của trẻ.
- Tâm trạng buồn bã
Mặc dù trẻ sẽ nhận ra lỗi lầm của mình nhưng những vết roi còn hằn sâu trên cơ thể sẽ lâu mới có thể lành được. Nỗi đau này cứ kéo dài vài ngày và trẻ sẽ cảm thấy buồn bã vì bố mẹ không thương yêu mình.
- Suy giảm khả năng nhận thức
Những nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng não của trẻ có sự thay đổi khi bị đánh đòn thường xuyên. Những đứa trẻ bị đánh đòn thường xuyên có ít chất xám hơn ở một số khu vực nhất định ở vỏ não, ảnh hưởng đến chỉ số IQ của trẻ. Một vài nghiên cứu cũng cho thấy rằng những người bị đánh đòn lúc còn nhỏ thường ít có khả năng thành công trong sự nghiệp hơn những người không bị đánh đòn.
Những biện pháp giáo dục con an toàn và hiệu quả hơn
Từ những hậu quả của việc dạy con bằng đòn roi được nhắc đến ở trên thì chúng tôi đưa ra những lựa chọn an toàn và hiệu quả hơn việc giáo dục bằng đòn roi như sau:
– Trò chuyện cùng con cái nhiều hơn: Xây dựng một môi trường giao tiếp thân thiện giữa bố mẹ và con cái, khuyến khích trẻ nhận ra và nói ra những vấn đề, giúp con vượt qua khó khăn thay vì dùng đòn roi.
– Lấy đi một thứ gì đó của con: Hãy cho con bạn biết rằng bạn sẽ lấy đi một thứ gì đó yêu thích của con nếu con không ngoan.
– Cho trẻ thời gian và không gian để suy nghĩ: bố mẹ hãy cho trẻ một khoảng thời gian nhất định, để suy nghĩ lại về cách cư xử của bản thân và xem mình đã làm sai điều gì. Sau khi trẻ đã suy nghĩ và nhận ra thì hãy để mọi thứ trở về bình thường và không nhắc lại lỗi của trẻ nữa.
Trên đây là những hậu quả của việc dạy con bằng đòn roi mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn. Với chia sẻ này chúng tôi mong rằng các bậc làm cha làm mẹ sẽ có được những kinh nghiệm hữu ích trong việc dạy con được khoa học và hiệu quả nhất.