4 cách nâng cao khả năng tư duy phản biện cho trẻ nhỏ
Tư duy phản biện là một trong những kĩ năng quan trọng mà bất kì ai cũng cần phải thành thạo bởi đây là minh chứng rõ nhất cho khả năng phản ứng lại và giải quyết vấn đề một cách nhanh nhạy và hiệu quả.
Thế nhưng, trẻ nhỏ dường như lại đang bị cuốn theo những điều mới mẻ không cần thiết như trò chơi điện tử, các chương trình truyền hình gây nghiện mà bỏ quên kĩ năng vô cùng cần thiết này.
Tư duy phản biện là gì?
-Tư duy phản biện chính là khả năng chủ động của một người trong việc suy nghĩ và giải quyết các vấn đề phức tạp. Việc thiết lập tư duy phản biện dựa trên 4 yếu tố cơ bản:
-Suy nghĩ logic: sử dụng phương pháp khoa học để tiếp cận vấn đề, loại bỏ tác động của cảm xúc.
-Nghiên cứu: học cách tìm hiểu các thông tin dựa trên những sự kiện, sự vật có thật, có minh chứng khoa học, từ đó đưa ra câu trả lời chính xác.
-Tự nhận thức: khả năng nhận thức dựa trên kinh nghiệm và phân tích những điều đã từng xảy ra, học cách loại bỏ các phán đoán cá nhân bị tình cảm chi phối.
-Tư duy “ bên ngoài hộp” : Thách thức bản thân bằng những câu hỏi, có khả năng nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh, tìm hiểu toàn bộ sự thật chứ không chỉ đứng trên một góc nhìn, sau đó chọn cách giải quyết hợp lí nhất.
Các cách giúp trẻ hình thành tư duy phản biện từ nhỏ
Bạn không cần bất kì một công thức bí mật nào để có thể giúp cho con bạn phát triển kĩ năng mềm này của bản thân. Điều duy nhất bạn cần phải làm chính là tạo ra những bài học về giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày và cho con tham gia vào đó.
Hãy hỏi con “ Tại sao? ”
Hãy nhớ lại những lúc bạn dường như phát điên lên với những câu hỏi “tại sao” của con, bởi chúng thực sự khiến bạn cảm thấy bế tắc và phải bắt bản thân suy nghĩ để đưa ra câu trả lời. Tại sao bầu trời có màu xanh? Tại sao quả bóng lại hình tròn? Những câu hỏi như vậy luôn khiến bạn phải động não, và bây giờ chính là lúc bạn phản công, hãy hỏi con những câu hỏi tại sao nhiều nhất có thể.
Khi con bạn đối diện với một vấn đề nào đó, chẳng hạn như đứa trẻ muốn một món đồ chơi điện tử mới, hãy hỏi tại sao. Câu trả lời có thể là bởi nó rất phổ biến và đó là thứ mà mọi đứa trẻ đều có. Tiếp đó, hãy đào sâu vấn đề, hỏi chúng tại sao nó lại nổi tiếng đến vậy. Dựa vào những câu trả lời tiếp sau, hãy đào sâu hơn, sâu hơn nữa. Đó là cách để đứa trẻ hiểu được nhiều hơn về những thứ xung quanh và cũng là cơ hội để chúng có thể tự nhìn nhận cái lợi và cái hại của những gì chúng đang yêu cầu.
Tạo cơ hội cho những cuộc tranh luận
Nếu như con bạn muốn đòi hỏi quyền lợi hay muốn tranh luận về một vấn đề gì đó, hãy tạo cơ hội cho chúng. Nếu như con muốn được thức khuya hơn, hãy cho chúng cơ hội để giải thích về lí do chúng muốn làm điều đó. Thay vì nói cho chúng lí do vì sao bạn không ủng hộ việc làm này, hãy để chúng tự đặt mình vào tình huống, để chúng tự suy nghĩ xem tại sao bạn lại làm vậy.
Hãy nghĩ về giải pháp. Có thể nguyên nhân mà bạn không muốn chúng ngủ muộn chỉ là vì chúng không thể dậy sớm cho kịp giờ học. Hãy tạo cơ hội cho con được thử nghiệm với phương án của mình trong khoảng một tuần để xem xem liệu chúng có thể thích nghi với điều đó hay không. Hãy cho con tự tổng hợp dữ liệu thu được mỗi ngày, về mức độ mệt mỏi khi thức dậy vào buổi sáng và khả năng tập trung ở trường. Sau đó, hãy cùng trao đổi vấn đề này với con, thức muộn hơn 1 giờ đồng hồ có thể không hiệu quả, nhưng 30 phút có lẽ sẽ ổn. Nếu như con đồng ý, hãy thử lại quá trình áp dụng thử nghiệm trên một lần nữa.
Để con tự tìm hiểu mọi thứ
Việc nâng cao tư duy phản biện bắt nguồn từ chính những thử thách hàng ngày mà bạn bắt con phải tự tìm hiểu về thế giới xung quanh. Nếu như con muốn đi xem phim, hãy để chúng tự tìm hiểu về thời gian và giá cả ở các rạp phim. Với những đứa trẻ lớn hơn, hãy để con tự mua bỏng ngô và đồ uống, tự bắt xe để đi tới rạp. Cùng với đó, hãy bảo chúng tìm hiểu về những phản hồi của những người đã từng xem để biết được liệu mình có đang tiêu tốn tiền một cách lãng phí hay không.
Đây chính là cách bạn giúp con tự tìm tòi và học hỏi. Không chỉ dừng lại ở việc xem phim, hãy ứng dụng vào những công việc hàng ngày khác để xem con bạn có thể làm được gì nhé!
Cùng con nấu cơm và sửa lỗi
Không gian bếp chính là nơi để thực hành ứng dụng tư duy phản biện cho cả trẻ em và người lớn. Mỗi bữa ăn đều có thể được sử dụng để nâng cao khả năng này. Hãy cho con nhận xét về những món ăn, hỏi chúng làm thế nào để có thể cải thiện mùi vị của chúng, và tại sao.
Nấu ăn cùng với con cũng là một cách giúp trẻ xây dựng kĩ năng giải quyết vấn đề. Nếu như thất bại trong việc nướng bánh, đó là cơ hội để trẻ tìm hiểu tại sao vấn đề này lại xảy ra, và đó là cách con có thể giải quyết vấn đề ở những lần tiếp theo. Vừa có thể dạy con nấu ăn, vừa giúp con nâng cao tư duy phản biện, quả thực là một cách hay phải không nào?
Xây dựng kĩ năng tư duy phản biện là một trong những điều vô cùng cần thiết để giúp trẻ có thể tự hoàn thiện mình và phát triển hơn trong tương lai. Vì vậy, các bậc cha mẹ hãy luôn ghi nhớ để có thể bổ sung những phương pháp phù hợp trong giáo dục con trẻ, để con có thể tự tin vững bước vào đời nhé.