Vào thời điểm giao mùa, bệnh cảm cúm được xem là một bệnh gặp khá thường xuyên và phổ biến ở trẻ nhỏ do hệ miễn dịch còn khá yếu ớt. Đây là tên gọi chung của bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp và chúng gây ra bởi virus. Nếu thấy bé nhà bạn có những biểu hiện như hắt hơi, ngạt mũi, sổ mũi, ho, sốt… thì có thể bé nhà bạn đã bị cảm cúm.
Lúc này mẹ cũng không cần quá lo lắng bởi đây là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ trong giai đoạn hệ thống miễn dịch ở trẻ nhỏ chưa hoàn thiện. Bạn chỉ nắm được một số kinh nghiệm cách phòng tránh cúm cho trẻ là có thể giúp bé luôn khỏe mạnh. Cùng chúng tôi theo dõi một số thông tin dưới đây nhé.
Cảm cúm hiểu đơn giản là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp. Hiện nay, bệnh cúm phổ biến ở Việt Nam bao gồm 2 chủng vi rút cúm A và cúm B. Thông thường, cảm cúm diễn biến nhẹ và nhanh chóng hồi phục sau khoảng từ 2 đến 7 ngày. Với trẻ em dưới 5 tuổi khi sức đề kháng còn kém thì bệnh có thể biến chứng thành những bệnh nặng hơn như: viêm phổi nặng, suy hô hấp,…
Vì thế phòng tránh cúm cho trẻ, nhất là vào những lúc giao mùa là điều cần thiết để giúp bé luôn có được một sức khỏe tốt. Dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn những thông tin cụ thể về dấu hiệu bệnh cảm cúm cũng như cách phòng tránh cúm cho trẻ, hãy theo dõi ngay nhé.
Một số triệu chứng bệnh cúm ở trẻ nhỏ:
– Trẻ sốt trên 38 độ C, có thể kèm theo đổ mồ hôi và ớn lạnh
– Ho khan, có biểu hiện đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, mắt đổ ghèn
– Nhức đầu, đau nhức cơ bắp, đặc biệt là ở lưng, tay và chân.
– Cảm giác mệt mỏi và yếu.
Cách phòng tránh cúm cho trẻ
Có nhiều cách khác nhau để phòng tránh cúm cho trẻ, dưới đây là một số gợi ý để mẹ có thể áp dụng với bé nhà mình. Cụ thể như sau:
– Tiêm vắc-xin ngừa cúm hàng năm
Có lẽ cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh cúm cho trẻ nhỏ chính là tiêm vắc-xin ngừa cảm cúm. Các loại vắc-xin ngừa bệnh cúm có thể giảm thiểu từ 70 đến 80% nguy cơ mắc bệnh. Hơn thế nữa, nếu trẻ bị nhiễm cúm, mũi tiêm này vẫn có tác dụng làm giảm độ nặng của bệnh và phòng ngừa các biến chứng nặng nề có thể xảy ra.
– Phòng ngừa trong sinh hoạt hàng ngày
Hạn chế để trẻ tiếp xúc gần gũi với những người đang bị bệnh cúm. Trẻ mắc cúm mà không có chỉ định nhập viện theo dõi cần được cách ly tại nhà út nhất 24h sau khi hết sốt. Mẹ cũng nên rửa và sát trùng các bề mặt vật dụng có khả năng lây nhiễm virus bằng cồn 70 độ.
Hạn chế đưa bé đến nơi công cộng
Việc đưa bé ra ngoài dạo chơi, tận hưởng không khí trong lành khác hoàn toàn với việc đưa bé đến những nơi công cộng có quá nhiều người tập trung. Các bác sĩ khuyên bố mẹ rằng, nên giữ trẻ sơ sinh tránh xa đám đông một chút bởi một số loại virus gây ra cảm cúm có thể lây nhiễm trong môi trường này.
– Giữ vệ sinh nhà cửa
Để hạn chế nhất việc mắc cúm ở trẻ, thì ngay trong cuộc sống hàng ngày mẹ cũng nên thực hiện việc vệ sinh nhà cửa thật sạch sẽ. Mẹ hãy lau dọn nhà và các vật dụng mà bé thường xuyên sử dụng để phòng ngừa tối đa vi khuẩn. Các vật dụng như máy sưởi, máy điều hòa cũng cần được vệ sinh và bảo dưỡng định kỳ để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn… Bởi nếu môi trường không sạch sẽ kích thích niêm mạc mũi, họng của bé, tăng khả năng bị bệnh.
Với trẻ sơ sinh, mẹ hãy yêu cầu mọi người nên rửa tay sạch sẽ trước khi ôm ấp hay bế bé. Việc vệ sinh tay chân sạch sẽ sẽ giúp giảm thiểu số lượng vi khuẩn tiếp xúc vào cơ thể bé. Bên cạnh đó mẹ cũng nên cho bé súc miệng nước muối, rửa trôi chất nhầy giúp bé phòng bệnh tốt hơn.
Giữ nhiệt độ cơ thể bé luôn ổn định
Khi cảm thấy cơ thể bé bị lạnh, mẹ hãy cho bé mặc thêm quần áo ấm, bôi tinh dầu tràm và giữ cho cơ thể bé luôn có mức nhiệt độ ổn định. Tuy nhiên không có nghĩa là bạn ủ ấm quá mức khiến bé bị đổ mồ hôi, điều này lại không tốt cho sức khỏe của bé. Buổi tối khi đi ngủ bạn nên cho bé đeo tất, giữ ấm ngực, lưng, bụng, bàn chân… đây là một thói quen tốt để giữ ấm cơ thể trẻ
Tăng cường chế độ dinh dưỡng
Một chế độ ăn khoa học, dinh dưỡng với nhiều rau xanh và vitamin sẽ giúp tăng sức đề kháng cho trẻ. Ngoài ra bạn nên cho trẻ uống nước thường xuyên và hạn chế ăn các thực phẩm lạnh. Đối với trẻ trên 1 tuổi, mẹ có thể cho bé uống 1 ly mật ong ấm vào mỗi buổi sáng, tinh chất có trong mật ong sẽ giúp tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.
Trẻ bú sữa mẹ
Sữa mẹ chứa nhiều dinh dưỡng tốt và các loại kháng thể cần thiết để xây dựng cho trẻ một hệ miễn dịch khỏe mạnh và bảo vệ bé trước nhiều bệnh tật. Ngay cả khi trẻ có mắc bệnh thì cũng nên duy trì nguồn dinh dưỡng này để rang khả năng chiến đấu với bệnh tật giúp bé mau khỏi hơn.
Trên đây là một vài cách phòng tránh cúm cho trẻ mà mẹ nên biết để giúp bé nhà mình luôn khỏe mạnh, phát triển tốt. Hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích cho mẹ trong việc chăm sóc trẻ.